12/01/2017  |  965
Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, có những tình huống hoặc điều kiện xảy ra khiến người sử dụng lao động đi đến quyết định cắt giảm nhân sự. Đây là điều không bên nào mong muốn, song vì tính chất chính đáng nên pháp luật lao động cho phép người sử dụng lao động thực hiện cắt giảm nhân sự. Tuy nhiên, việc này không được tiến hành tùy tiện mà phải phù hợp với quy định của pháp luật.
Để thuận tiện cho quý khách hàng có nhu cầu tìm hiểu, Công ty TNHH Law Dike xin tổng hợp một số quy định liên quan đến vấn đề này như sau: 
 
Thu tuc cat giam nhan su


Những trường hợp ảnh hưởng đến công việc của người lao động bao gồm:

Thay đổi cơ cấu, công nghệ:

Thay đổi cơ cấu, tổ chức lại lao động: Trong trường hợp này, người sử dụng lao động có thay đổi trong cơ cấu tổ chức của mình. Ví dụ như khi hợp nhất hai phòng ban thành một để cắt giảm chi phí nhân sự thì sẽ có những người lao động có nguy cơ mất việc;
Thay đổi sản phẩm, cơ cấu sản phẩm: Ví dụ như một doanh nghiệp chuyển hướng sang sản xuất và kinh doanh một loại sản phẩm khác mà có những người lao động mà khả năng làm việc hoặc trình độ chuyên môn của họ không đáp ứng được;
Thay đổi quy trình, công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất kinh doanh gắn với ngành nghề sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động: Sự phát triển của khoa học công nghệ giúp người sử dụng lao động cắt giảm được chi phí nhân sự do khả năng tự động hóa và năng suất cao của máy móc. Một loại dây chuyền sản xuất mới có thể tăng gấp đôi năng suất và chỉ cần ít người vận hành thì người sử dụng lao động có thể cắt giảm nhân sự một cách chính đáng.

Lý do kinh tế:

Khủng hoảng hoặc suy thoái kinh tế: Đây cũng là một trường hợp phổ biến dẫn đến cắt giảm nhân sự;
Thực hiện Chính sách của Nhà nước khi tái cơ cấu nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế.
Tuy nhiên, khi xảy ra các tình huống trên, người sử dụng lao động không thể ngày lập tức cắt giảm nhân sự mà phải thực hiện các bước sau:

Bước 1: Xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động có sự tham gia của Công đoàn cơ sở với các nội dung sau:

Danh sách và số lượng người lao động tiếp tục được sử dụng, người lao động đưa đi đào tạo lại để tiếp tục sử dụng;
Danh sách và số lượng người lao động nghỉ hưu;
Danh sách và số lượng người lao động được chuyển sang làm việc không trọn thời gian; người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động;
Biện pháp và nguồn tài chính bảo đảm thực hiện phương án.

Bước 2: Trao đổi với Công đoàn cơ sở về việc cho thôi việc đối với người lao động

Bước 3: Thông báo bằng văn bản cho Sở Lao động – Thương binh – Xã hội cấp tỉnh trong vòng 30 ngày trước khi tiến hành thôi việc (nếu với 02 lao động trở lên)

Nội dung thông báo bao gồm:

Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và người đại diện theo pháp luật của người sử dụng lao động;
Tổng số lao động; số lao động cho thôi việc;
Lý do cho người lao động thôi việc; thời điểm người lao động thôi việc;
Kinh phí dự kiến chi trả trợ cấp mất việc làm.

Bước 4: Trả trợ cấp mất việc làm

Trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên. Mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương. Tức là nếu người lao động chỉ mới làm việc cho người sử dụng lao động 1 năm thì trợ cấp mất việc mà người này nhận được vẫn là 02 tháng tiền lương.

Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc = Tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động – Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp – Thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc (nếu đã có);

Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động mất việc làm.

Lưu ý:

Tổng thời gian người lao động thực tế làm việc bao gồm: thời gian người lao động đã làm việc cho người sử dụng lao động; thời gian thử việc, học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động; thời gian được người sử dụng lao động cử đi học; thời gian nghỉ hưởng chế độ theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; thời gian nghỉ hằng tuần; nghỉ việc hưởng nguyên lương, thời gian nghỉ để hoạt động công đoàn; thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động; thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc và thời gian bị tạm giữ, tạm giam nhưng được trở lại làm việc do được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận không phạm tội;

Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: Thời gian người sử dụng lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian người sử dụng lao động đã chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật;

Thời gian để tính trợ cấp mất việc là theo năm (đủ 12 tháng), trường hợp có tháng lẻ thì từ đủ 01 tháng đến dưới 06 tháng được tính bằng 1/2 năm; từ đủ 06 tháng trở lên được tính bằng 01 năm làm việc.

Thời hạn thanh toán: trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động. Trong các trường hợp sau thì không quá 30 ngày:

Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;
Người sử dụng lao động hoặc người lao động gặp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh truyền nhiễm;
Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc lý do kinh tế.

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây