05/01/2017  |  1304
Mua bán, sáp nhập doanh nghiệp là một thuật ngữ mới xuất hiện ở Việt Nam, đặc biệt là khi thị trường chứng khoán Việt Nam có những bước phát triển nhanh chóng. Thuật ngữ này được dịch từ thuật ngữ tiếng Anh “Merger & Acquisition” hay còn được viết tắt là M&A. Mặc dù hoạt động M&A ở Việt Nam đã có sự phát triển nhất định, song những quy định pháp luật liên quan đến M&A thì vẫn chưa được nhiều người biết đến.
M&A thực chất là hoạt động giành quyền kiểm soát doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp (gọi chung là doanh nghiệp) thông qua việc sở hữu một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp đó. Mục đích của M&A là giành quyền kiểm soát doanh nghiệp ở mức độ nhất định chứ không đơn thuần chỉ là sở hữu một phần vốn góp hay cổ phần của doanh nghiệp như các nhà đầu tư nhỏ, lẻ. Vì vậy, khi một nhà đầu tư đạt được mức sở hữu phần vốn góp, cổ phần của doanh nghiệp đủ để tham gia, quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp thì khi đó mới có thể coi đây là hoạt động M&A. Ngược lại, khi nhà đầu tư sở hữu phần vốn góp, cổ phần không đủ để quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp thì đây chỉ được coi là hoạt động đầu tư thông thường.
 
thu tuc mua ban va sap nhap doanh nghiep

Với cách hiểu như vậy, pháp luật Việt Nam có một số các quy định về hình thức thực hiện M&A như sau:
Góp vốn trực tiếp vào doanh nghiệp thông qua việc góp vốn điều lệ Công ty TNHH hoặc mua cổ phần phát hành để tăng vốn điều lệ của Công ty cổ phần.
Mua lại phần vốn góp hoặc cổ phần đã phát hành của thành viên hoặc cổ đông của Công ty. Không giống như hình thức góp vốn trực tiếp vào doanh nghiệp, đây là hình thức đầu tư không làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp nhưng có thể làm thay đổi cơ cấu sở hữu vốn góp/cổ phần của doanh nghiệp.
Mua, bán doanh nghiệp chỉ được áp dụng đối với doanh nghiệp tư nhân theo quy định của Luật Doanh nghiệp và một số doanh nghiệp nhà nước, bộ phận doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật về giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê Công ty nhà nước.
Sáp nhập doanh nghiệp là hình thức kết hợp một hoặc một số Công ty cùng loại (công ty bị sáp nhập) vào một Công ty khác (công ty nhận sáp nhập) trên cơ sở chuyển toàn bộ tài sản, quyền và nghĩa vụ của Công ty bị sáp nhập vào Công ty nhận sáp nhập. Công ty bị sáp nhập chấm dứt tồn tại, Công ty nhận sáp nhập vẫn tồn tại và kế thừa toàn bộ tài sản, quyền và nghĩa vụ của Công ty bị sáp nhập.
Hợp nhất doanh nghiệp là việc hai hoặc nhiều Công ty cùng loại (công ty bị hợp nhất) kết hợp thành một Công ty mới (công ty hợp nhất). Các Công ty bị hợp nhất chấm dứt tồn tại và hình thành mới một Công ty trên cơ sở kế thừa toàn bộ tài sản, quyền và nghĩa vụ của các Công ty bị hợp nhất.
Chia, tách doanh nghiệp là hình thức M&A đặc thù bởi việc kiểm soát doanh nghiệp đạt được thông qua việc làm giảm quy mô doanh nghiệp và do vậy việc kiểm soát doanh nghiệp chỉ thực hiện đối với từng phần doanh nghiệp nhất định. Chủ thể chính của hoạt động chia tách doanh nghiệp là các thành viên hoặc cổ đông hiện tại của Công ty. Chia, tách doanh nghiệp được áp dụng đối với loại hình Công ty TNHH hoặc Công ty cổ phần.
Chia doanh nghiệp là việc một Công ty bị chia thành nhiều Công ty mới, Công ty bị chia chấm dứt tồn tại, các Công ty mới liên đới thực hiện nghĩa vụ của Công ty bị chia.
Tách doanh nghiệp là việc một Công ty bị tách một phần tài sản, quyền và nghĩa vụ để hình thành một Công ty mới. Công ty bị tách vẫn tồn tại và hình thành một Công ty mới, các Công ty này vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ của Công ty bị tách.

Trong số các hình thức M&A nêu trên, hình thức góp vốn vào Công ty và mua vốn góp, cổ phần của Công ty sẽ là những hoạt động chính và thường xuyên, phổ biến nhất vì đa số các doanh nghiệp thuộc loại hình Công ty TNHH hoặc cổ phần. Các hình thức M&A khác chỉ là những hình thức được áp dụng với những hoạt động đầu tư đặc thù. Hình thức bán Công ty nhà nước sẽ giảm dần vì theo lộ trình quy định, các Công ty nhà nước sẽ được chuyển hết sang loại hình Công ty TNHH hoặc Công ty cổ phần hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Mỗi một hình thức M&A đều có những quy định riêng của pháp luật điều chỉnh. Vì vậy, trước khi thực hiện bất cứ một hoạt động M&A nào, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật để xác định mục đích đầu tư có đạt được hay không và cần phải thực hiện đầu tư như thế nào để pháp luật bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của mình.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây