21/05/2019  |  1164
Hiện nay tình trạng lái xe sử dụng rượu bia và gây tai nạn đang là trở thành nỗi ám ảnh nhức nhối cho xã hội, gây phẫn nộ cho người dân.
RƯỢU, BIA VÀ TAI NẠN GIAO THÔNG !
Hiện nay tình trạng lái xe sử dụng rượu bia và gây tai nạn đang là trở thành nỗi ám ảnh nhức nhối cho xã hội, gây phẫn nộ cho người dân. Số vụ tai nạn gây hậu quả chết người do lái xe khi đã sử dụng rượu bia ngày càng tăng: Cụ thể gần đây là vụ tai nạn tại đường hầm Kim Liên, Hà Nội ngày 01/05/2019 làm chết 2 người. Lái xe gây ra vụ tai nạn này thừa nhận đã uống bia trước khi gây họa, cơ quan chức năng đã đo được nồng độ cồn của lái xe này là 0,751 mg/lít khí thở. Hay như vụ tai nạn rạng sáng 22/04/2019, tài xế Đỗ Xuân Tuyên (sinh năm 1970, trú tại Kim Mã, phường Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) lái chiếc xe ô tô nhãn hiệu Huyndai Veracruz BKS 29A-784.09 đi đến phố Vĩnh Hồ đã xảy ra va chạm nhẹ với 5 xe máy. Sau đó, tài xế lái xe bỏ chạy ra Ngã Tư Sở rồi vào đường Láng, hướng về Cầu Giấy. Khi lái xe đến trước số nhà 220 đường Láng đã đâm vào bà Lê Thị Thu Hà (42 tuổi, công nhân vệ sinh) khiến chị tử vong tại chỗ.
Đó chỉ là một trong số những vụ tai nạn giao thông do sử dụng bia rượu trong khi lái xe gây ra gần đây. Đằng sau mỗi vụ tai nạn là cả một hệ lụy dai dẳng, liên quan đến cuộc đời nhiều con người. Thật quá phi lý khi giờ đây tính mạng nhiều người đang phó mặc vào sự may rủi khi tham gia giao thông.
Chúng ta đã có rất nhiều quy định, chế tài về xử phạt vi phạm giao thông nhưng vi phạm giao thông, đặc biệt là tai nạn vẫn không giảm mà có chiều hướng gia tăng, nhất là các vụ tai nạn nghiêm trọng?
Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực từ 01/-8/2016 quy định các mức phạt liên quan đến hành vi điều khiển xe khi lái xe đã uống rượu, bia thì người có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép thì bị phạt vài triệu đồng đến dưới 20 triệu đối với người lái xe máy, ô tô và tước giấy phép lái xe tối đa 6 tháng.
Thêm nữa, Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Theo đó người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
Còn trường hợp phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: Không có giấy phép lái xe theo quy định; Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác; Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thônng; Làm chết 02 người.
Trong tình hình tai nạn giao thông đang “nóng”như hiện nay, nhất là tình trạng “xe điên” gây tai nạn do tài xế uống rượu bia, cần thiết phải có những chế tài đủ mạnh liên quan đến việc sử dụng các chất kích thích này, thậm chí ngoài việc xử phạt hình sự, xem xét tước bằng lái vĩnh viễn tùy theo mức độ vi phạm.
Đã đến lúc, cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của những người tham gia giao thông và các cơ quan quản lý giao thông, cũng như việc bổ sung những chế tài đủ mạnh thì mới hạn chế được những cái chết đau lòng do tai nạn giao thông gây ra.
 

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây