12/04/2020  |  664
Không thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19

 

Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các cục thuế không tiến hành thanh tra với các DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chỉ tập trung thanh tra, kiểm tra đối với các DN có rủi ro cao về thuế.

qtt
Cán bộ Cục Thuế Hà Nội tiếp nhận hồ sơ quyết toán thuế TNCN của người nộp thuế tại trụ sở Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Vũ Mạnh Cường - Vụ trưởng Vụ thanh tra, kiểm tra (Tổng cục Thuế) cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các cục thuế không tiến hành thanh tra với các DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chỉ tập trung thanh tra, kiểm tra đối với các DN có rủi ro cao về thuế.

* PV: Thưa ông, tình hình dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN. Điều này chắc hẳn nằm ngoài dự đoán của Tổng cục Thuế khi xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2020. Tình huống bất ngờ này có ảnh hưởng như thế nào đến kế hoạch thanh tra, kiểm tra đã được Tổng cục Thuế ban hành trước đó, thưa ông?

- Ông Vũ Mạnh Cường: Ngày 10/1/2019 Tổng cục Thuế đã ban hành Quyết định số 41/QĐ-TCT về việc giao chỉ tiêu thanh tra, kiểm tra DN năm 2020 cho cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trên cơ sở kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các cục thuế, Tổng cục Thuế cũng đã ban hành Quyết định số 42/QĐ-TCT về việc phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế năm 2020 cho các cục thuế.

 cuong
 Ông Vũ Mạnh Cường

Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 đã lan rộng ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Dịch bệnh cũng đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN, ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế của đất nước. Điều này nằm ngoài dự báo của Tổng cục Thuế khi xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra cho năm 2020. Do đó, để hoàn thành kế hoạch đã đề ra, quả là có rất nhiều khó khăn, thách thức.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Tổng cục Thuế đã có văn bản chỉ đạo cục thuế các tỉnh, thành phố tổ chức quán triệt và giao nhiệm vụ cụ thể đến từng phòng, từng bộ phận, từng đoàn, từng đội có chức năng thanh tra, kiểm tra. Chú trọng công tác chuẩn bị trước khi thực hiện thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế trên cơ sở phân tích rủi ro chuyên sâu, dựa trên cơ sở dữ liệu thông tin điện tử của ngành Thuế, kết hợp với thông tin từ các cơ quan chức năng quản lý nhà nước và thông tin truyền thông để xác định kịp thời, chính xác các DN có rủi ro cao về thuế, các DN có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gian lận, trốn thuế. Tăng cường thực hiện trao đổi với người nộp thuế bằng phương thức trao đổi cơ sở dữ liệu điện tử, nhất là không yêu cầu người nộp thuế cung cấp các thông tin, tài liệu đã được người nộp thuế kê khai với cơ quan thuế. Lựa chọn nội dung trọng tâm cần kiểm tra để rút ngắn thời gian thanh tra.

Chúng tôi cũng yêu cầu người nộp thuế cung cấp các thông tin theo quy định qua hòm thư điện tử (trừ các thông tin, tài liệu mà người nộp thuế đã gửi đến cơ quan thuế)... để đảm bảo rút ngắn thời gian thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế. Kết hợp với việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thuế cho người nộp thuế, tháo gỡ vưỡng mắc  phát sinh trong quá trình thực hiện chính sách pháp luật về thuế.

* PV: Để tháo gỡ khó khăn cho DN chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19. Tổng cục Thuế đã có kế hoạch gì để tháo gỡ khó khăn cho DN, nhất là DN bị ảnh hưởng bởi Covid-19?

- Ông Vũ Mạnh Cường: Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, ngày 12/3/2020 Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 1046/TCT-TTKT về việc triển khai và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Theo đó, trên cơ sở danh sách DN thuộc kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2020 đã được phê duyệt, chúng tôi đã chỉ đạo các cục thuế tiến hành rà soát, tập trung thanh tra, kiểm tra trước đối với DN có rủi ro cao về thuế. Đối với các DN chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, cụ thể như: nhà hàng, khách sạn, du lịch, hàng không... thì chưa thực hiện thanh tra, kiểm tra. Chúng tôi cũng yêu cầu các cục thuế xem xét phân tích rủi ro chuyên sâu đối với các DN này, báo cáo cơ quan thuế cấp trên để thực hiện điều chỉnh kế hoạch đối với các DN có yếu tố rủi ro thấp theo quy định.

Ngoài việc không thanh tra, kiểm tra đối với DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, để DN yên tâm sản xuất kinh doanh, chúng tôi cũng yêu cầu các cục thuế thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ, đó là không thanh tra, kiểm tra ngoài kế hoạch, trừ trường hợp đặc biệt được giao. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc công tác thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, xử lý chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra, kiểm tra. Đối với các trường hợp chồng chéo trong kế hoạch thanh tra, thì thực hiện theo đúng nguyên tắc và thẩm quyền được quy định tại Điều 15, Nghị định số 82/2012/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành tài chính.

* PV: Công tác thanh tra, kiểm tra thuế là một trong những chức năng rất quan trọng của ngành Thuế để chống thất thu. Trong bối cảnh dịch bệnh, bên cạnh những DN thật sự bị thiệt hại do dịch bệnh gây ra, thì cũng không loại trừ có trường hợp lợi dụng dịch bệnh để chây ỳ hoặc trốn thuế. Tổng cục Thuế có giải pháp gì để vừa tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động, nhưng cũng đảm bảo chống thất thu NSNN?

- Ông Vũ Mạnh Cường: Công tác thanh tra, kiểm tra thuế là một trong những chức năng quan trọng trong công tác quản lý thuế. Hàng năm, việc thanh tra, kiểm tra góp phần tăng thu cho NSNN hàng chục nghìn tỷ đồng. Điều này không chỉ đảm bảo nguồn thu cho ngân sách, mà còn mang lại sự công bằng giữa các DN, góp phần ngăn chặn, răn đe đối với các DN có vi phạm về thuế. Hiện nay, việc lựa chọn kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế được thực hiện theo nguyên tắc rủi ro, nghĩa là chỉ những DN có điểm rủi ro cao được lựa chọn qua ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra và cơ sở dữ liệu ngành Thuế quản lý mới đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế. Do đó đã tạo thuận lợi tối đa cho DN, giúp cho công tác quản lý thuế ngày càng hiệu quả.

Đẩy mạnh công tác trao đổi nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thuế để nâng cao năng lực và kỹ năng cho công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra thuế trong việc phát hiện phương thức, thủ đoạn, hành vi gian lận mới đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. 

Để công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo công bằng, minh bạch, chúng tôi cũng yêu cầu các cục thuế quán triệt các cán bộ, công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra thuế thực hiện tuân thủ nghiêm ngặt quy trình thanh tra, kiểm tra thuế, quy trình giám sát thanh tra, kiểm tra, thực hiện việc ghi nhật ký điện tử đầy đủ theo đúng quy định. Đồng thời chỉ đạo quyết liệt trong công tác nhập dữ liệu kết quả công tác thanh tra, kiểm tra hàng tháng vào ứng dụng hỗ trợ thanh tra kiểm tra (TTR) theo đúng thời gian quy định, để đảm bảo cơ sở dữ liệu thanh tra, kiểm tra đầy đủ, chính xác, kịp thời đáp ứng công tác báo cáo thường xuyên, định kỳ, đột xuất, công tác phân tích rủi ro trong thanh tra, kiểm tra. Điều này đã mang lại những kết quả rất thiết thực trong mỗi cuộc thanh tra, kiểm tra thuế.

Nguồn tin: Nhật Minh - Thời báo tài chính

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây