14/08/2017  |  2009
Để chuẩn bị cho 2 Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) trình Quốc hội thảo luận, thông qua tại kỳ họp tới, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, xây dựng Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh; Danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện báo cáo Thường trực Chính phủ xem xét, cho ý kiến trước khi hoàn thiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa ra Quốc hội thảo luận, thông qua.
Sáng 19/8, Thường trực Chính phủ đã có cuộc họp với các Bộ, ngành thảo luận và cho ý kiến vào Báo cáo rà soát, xây dựng Danh mục này.

Theo Báo cáo của Bộ KH&ĐT, về Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh, qua rà soát cho thấy hiện có 51 ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ cấm đầu tư, kinh doanh và Bộ đã đề xuất Danh mục chỉ còn 8 ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh. 
Về Danh mục lĩnh vực, ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, kết quả rà soát cho thấy toàn bộ ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh được quy định tại 391 văn bản pháp luật (gồm 56 Luật, 8 Pháp lệnh, 115 Nghị định, 176 Thông tư, 26 Quyết định của Bộ trưởng và 2 văn bản của Bộ) với 386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thuộc phạm vi quản lý nhà nước của 16 Bộ, ngành. 
Từ kết quả rà soát và đánh giá, Bộ KH&ĐT đề xuất bãi bỏ một số ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện không còn cần thiết, không hợp lý, không rõ ràng, không cụ thể. Theo đó, có khoảng 15% ngành, nghề kinh doanh có điều kiện có thể bãi bỏ (bãi bỏ 56/386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện). 
 

Trên cơ sở ý kiến của các Bộ, ngành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ KH&ĐT  tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, tiếp tục rà soát, hoàn thiện Dự thảo các Danh mục đảm bảo chất lượng, khả thi để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội tại kỳ hợp tới. 
Việc xây dựng Danh mục và những quy định đặt ra phải nhằm đạt mục tiêu cao nhất là đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, phát triển nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, thực hiện công khai, minh bạch, hạn chế sự tùy tiện, nhũng nhiễu và phòng chống tiêu cực, tham nhũng. “Quản lý nhà nước không phải là giành thuận lợi cho chúng ta mà quản lý là để tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, làm ăn” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây