06/04/2020  |  613
Bộ Tài chính: Tiếp tục mở rộng đối tượng gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất

Ngày 26/3/2020, Bộ Tài chính đã có Tờ trình Chính phủ số 47/TTr-BTC về dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Ngày 01/4/2020, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ về nội dung dự thảo Nghị định và các Bộ, ngành, địa phương đã có ý kiến tham gia vào dự thảo Nghị định.

Trên cơ sở các ý kiến tham gia, ngày 03/4/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký công văn số 3915/BTC-CST báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia vào dự thảo Nghị định. Tại công văn, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung thêm một số ngành vào đối tượng được gia hạn và dự kiến tổng số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 180.000 tỷ đồng (tăng gần 100.000 tỷ đồng so với nội dung đã trình Chính phủ tại Tờ trình số 47/TTr-BTC).

Mở rộng đối tượng được hỗ trợ

Tại Dự thảo Nghị định trình Chính phủ lần 1 (Tờ trình 47/TTr-BTC), Bộ Tài chính đã đề xuất nhóm đối tượng 1 gồm: Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh hoạt động sản xuất trong các ngành kinh tế thuộc Nông nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan; lâm nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan; khai thác, nuôi trồng thuỷ sản; Sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất trang phục; sản xuất giày, dép; sản xuất sản phẩm từ cao su; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất ô tô và xe có động cơ khác (trừ sản xuất ô tô chở người từ 09 chỗ ngồi trở xuống).

1. ho tro doanh nghiep.jpg

Bổ sung Ngân hàng vào nhóm đối tượng hỗ trợ gia hạn thuế

Tại Dự thảo Nghị định trình Chính phủ lần 2 (công văn số 3915/BTC-CST), Bộ Tài chính đã bổ sung một số ngành sản xuất vào nhóm 1 như: sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất sản phẩm từ plastic; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác; sản xuất kim loại; gia công cơ khí; xử lý và tráng phủ kim loại; sản xuất xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế; xây dựng;

Đồng thời, tại Dự thảo Nghị định trình Chính phủ lần 2, Bộ Tài chính đã bổ sung các nhóm đối tượng như: Một số hoạt động kinh doanh vào đối tượng được gia hạn: Hoạt động kinh doanh bất động sản; hoạt động dịch vụ lao động và việc làm; hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; hoạt động vui chơi giải trí;

Bổ sung doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; sản phẩm cơ khí trọng điểm. Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được xác định theo Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 3 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; sản phẩm cơ khí trọng điểm được xác định theo Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 15 tháng 03 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Và bổ sung nhóm: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố danh sách tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tham gia hỗ trợ khách hàng.

Vụ Chính sách thuế cho biết, dự kiến với những bổ sung trên, tổng số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 180.000 tỷ đồng (tăng gần 100.000 tỷ đồng so với nội dung đã trình Chính phủ tại Tờ trình số 47/TTr-BTC).

Thủ tục gia hạn: Nộp duy nhất Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất

Về trình tự, thủ tục gia hạn, Dự thảo Nghị định quy định định rõ, người nộp thuế thuộc đối tượng được gia hạn chỉ cần gửi Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định này (bằng phương thức điện tử hoặc phương thức khác) theo mẫu ban hành kèm theo Nghị định này cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp cùng với thời điểm nộp Tờ khai thuế giá trị gia tăng theo tháng (hoặc theo quý) theo quy định pháp luật về quản lý thuế và chậm nhất là ngày 30 tháng 7 năm 2020. Nếu người nộp thuế gửi Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho cơ quan thuế sau ngày 30 tháng 7 năm 2020 thì không được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định này.

Trong trường hợp người nộp thuế gửi Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất sau ngày hết hạn nộp Tờ khai thuế giá trị gia tăng theo tháng (hoặc theo quý) thì cơ quan quản lý thuế vẫn thực hiện gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất của các kỳ phát sinh được gia hạn trước thời điểm nộp Giấy đề nghị gia hạn.

Trường hợp người nộp thuế được nhà nước cho thuê đất tại nhiều địa bàn quận, huyện khác nhau thì cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế có trách nhiệm sao gửi Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho cơ quan thuế nơi có đất thuê.

Bộ Tài chính cũng đề nghị, để tránh mất thời gian của các bên, Dự thảo Nghị định quy định là cơ quan thuế không phải thông báo cho người nộp thuế về việc chấp nhận gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Nghĩa là người nộp thuế cần chủ động đăng ký gia hạn sớm. Trường hợp trong thời gian gia hạn, cơ quan thuế có cơ sở xác định người nộp thuế không thuộc đối tượng gia hạn thì cơ quan thuế có văn bản thông báo cho người nộp thuế về việc dừng gia hạn và người nộp thuế phải nộp đủ số tiền thuế, tiền thuê đất và tiền chậm nộp trong khoảng thời gian đã thực hiện gia hạn vào Ngân sách Nhà nước.

Do đây là giải pháp cấp bách cần ban hành ngay để kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp và các đối tượng chịu tác động nên Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép Nghị định có hiệu lực kể từ ngày ký. Nội dung của Nghị định đã quy định chi tiết để các doanh nghiệp có thể áp dụng ngay (Bộ Tài chính không ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định).

Tuy nhiên, để tránh trường hợp phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép giao thẩm quyền cho Bộ Tài chính hướng dẫn nếu trong quá trình thực hiện có phát sinh vướng mắc.

Nguồn tin: Theo Kim Chung - Bộ TC

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây