Công ty luật TNHH Giap Law & Cộng sự

https://vlaw.vn


Sau ly hôn muôn giành lại quyền nuôi con thì làm thế nào?

Xin chào luật sư!
Làm phiền luật sư giải đáp vấn đề này giúp em với ạ: Em với chồng em mới ly hôn được mấy tháng nay. Con em được gần 03 tuổi giờ do bố cháu nhận nuôi. Nhưng thực ra cháu chỉ ở với ông bà nội ở quê và em biết chồng em đi làm vẫn qua lại với cô gái khác bên ngoài, chỉ thỉnh thoảng về thăm con. Bây giờ em muốn giành lại quyền nuôi con thì có được không? và thủ tục như nào? Rất mong nhận được lời giải đáp từ luật sư!
Xin cảm ơn luật sư!
 
nuoi duong con sau khi ly hon

Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến ban luật sư của chúng tôi. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

1. Cơ sở pháp lý: 
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

2. Luật sư tư vấn:
Theo như thông tin bạn cung cấp, bạn với chồng bạn mới ly hôn được mấy tháng nay. Con bạn được gần 03 tuổi giờ do bố cháu nhận nuôi. Nhưng thực ra cháu chỉ ở với ông bà nội ở quê và bạn biết rằng chồng bạn đi làm vẫn cứ cặp bồ bên ngoài, chỉ thi thoảng về thăm con. Do đó, căn cứ theo Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn:

"1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.

4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.

5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:

a) Người thân thích;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

d) Hội liên hiệp phụ nữ."


Theo như thông tin bạn cung cấp, hai vợ chồng bạn đã ly hôn được mấy tháng và theo Quyết định/ Bản án của Tòa án thì chồng bạn là người được giao trực tiếp nuôi con. Trên thực tế hiện nay, chồng bạn đi làm ăn xa, không có điều kiện trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con. Con bạn chỉ được ở với ông bà nội, ngoài ra, chồng bạn còn có hành vi có quan hệ mới khác nên không thể quan tâm, chăm sóc con như trước đây. Chính vì vậy, bạn hoàn toàn có quyền làm đơn yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn căn cứ theo điểm b khoản 2 Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 khi bạn chứng minh được chồng bạn là người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con vì lúc này chồng bạn đã đi làm ăn xa, có quan hệ mới nên không thể trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con bạn được. Còn bạn có đầy đủ các điều kiện tối thiểu nhất để nuôi dưỡng con bạn bao gồm các điều kiện về vật chất cũng như tinh thần tốt nhất về mọi mặt cho con.

Như vậy, bạn có quyền làm đơn yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Nếu có đầy đủ căn cứ thì Tòa án sẽ ra quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn và Tòa án có thể giao con cho bạn trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tùy thuộc vào từng trường hợp sau:

Một là, hai vợ chồng bạn thỏa thuận với nhau và chồng đồng ý để bạn nuôi con.

Hai là, chồng bạn không còn đủ khả năng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con, còn bạn có đủ điều kiện về kinh tế, tinh thần để chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, thì bạn có quyền yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.

Để đảm bảo được bạn có được nhiều ưu thế hơn về việc giành quyền trực tiếp nuôi dưỡng con, chăm sóc, giáo dục con từ phía chồng bạn thì bạn phải đưa ra được những bằng chứng bất lợi nhất từ phía chồng bạn để chứng minh chồng bạn hiện nay không còn đủ khả năng để trực tiếp nuôi dưỡng con như: chồng bạn đi làm việc xa nhà; chồng bạn đang có những mối quan hệ khác để có thể dẫn đến một cuộc hôn nhân mới; ông bà nội không chăm sóc tốt cho con bạn; điều kiện nơi ở của ông bà không đảm bảo được sự phát triển bình thường cho con bạn;... Lúc này, với lợi thế là con bạn đang dưới 36 tháng tuổi, độ tuổi cần sự chăm sóc của người mẹ thì Tòa án sẽ xem xét và giao lại quyền nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con cho bạn.
Sưu tầm
[TOP_LEFT]
[TOP_RIGHT]
[BOTTOM_LEFT]
[BOTTOM_RIGHT]
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây